Quản lí lớp học hiệu quả | IZONE

Quản lí lớp học hiệu quả

Trong bài viết lần này, Giảng Viên Vũ Thảo Phương – Giảng Viên IELTS của trung tâm IZONE sẽ chia sẻ cách quản lý lớp học hiệu quả

1. Tại sao giáo viên cần quan tâm quản lý lớp học 

Quản lý lớp học là một trong những yếu tố tối quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học của học viên và khả năng dạy của giảng viên. 

Một lớp học được quản lý hiệu quả sẽ giúp giáo viên có thể thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất, và quan trọng hơn, giúp học viên có kết quả học tập tốt và tận dụng được toàn bộ thời gian trên lớp. Trong từng buổi học, nếu giảng viên quản lý lớp tốt, học viên sẽ tham gia tích cực vào các hoạt động trên lớp, đảm bảo một tiết học cuốn hút và bổ ích, giảng viên không mất quá nhiều thời gian chỉnh đốn lại kỷ luật của lớp mà tập trung nhiều hơn vào việc giảng dạy. Như vậy, thời gian trên lớp được tận dụng tối đa cho việc truyền tải kiến thức, tránh được việc học viên trong lớp phải mất thời gian nghe giảng viên nhắc nhở các bạn mất trật tự hay làm việc riêng, hay giảng viên bị ngắt mạch giảng dạy vì học sinh không tập trung. Từng học viên đều sẽ cảm thấy bản thân có thể có sự cam kết với việc học và từ đó nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định của lớp như làm bài tập về nhà, đi học đúng giờ. Lợi ích của việc này sẽ được thể hiện rõ nhất qua sự tiến bộ của học viên sau khoá, chẳng hạn như điểm số gia tăng hay có sự cải thiện về các kỹ năng mà trước đó còn kém (VD ngữ pháp hay phát âm). 

Ngược lại, một lớp học không được quản lý tốt có thể dẫn đến việc học viên không đảm bảo đúng kỷ luật như thường xuyên nghỉ học, không làm bài tập đầy đủ hoặc trong giờ làm việc riêng. Trong giờ học, việc giảng viên liên tục phải nhắc nhở sẽ dẫn đến không khí buổi học căng thẳng, cả hai bên đều không thoải mái, học viên có thể e ngại trong việc phát biểu, đưa ra ý kiến hay giảng viên sẽ cảm thấy mình không được tôn trọng. Hơn nữa, nếu không xử trí khéo léo với những tình huống phát sinh trên lớp hay với những học viên ‘khó trị’, rất có thể tinh thần học của cả lớp sẽ bị ảnh hưởng, học viên có thể có tâm lý ‘bạn không phải nộp bài tập thì mình cũng không phải làm’, ‘bạn nghỉ học được thì mình cũng nghỉ được’. Điều này dẫn đến việc sau một khoá học, học viên không thu lại được gì, cảm thấy bản thân trước và sau khoá học không có tiến bộ. Còn những công sức giảng dạy và chuẩn bị bài của giảng viên sẽ không thể đem lại hiệu quả như mong muốn. Như vậy sẽ là tốn thời gian và công sức cho cả hai bên. 

2. Yếu tố đánh giá việc quản lý lớp học hiệu quả 

Một lớp học được quản lý hiệu quả sẽ được thể hiện qua một vài yếu tố sau:

  Thứ nhất là số lượng học viên đi học và làm bài đầy đủ cao, điều này thể hiện giảng viên đang có chất lượng giảng dạy tốt, tạo động lực cho học viên muốn tham gia vào các buổi học, không muốn bỏ lỡ buổi nào vì như vậy là mất kiến thức. Về lâu dài, nó còn giúp học viên tạo thói quen tự giác tốt, và khiến việc học được liền mạch hơn, học viên cũng có thái độ nghiêm túc và chủ động trong việc học hơn.

Thứ hai là có sự cải thiện về mặt điểm số qua các bài kiểm tra. Mục tiêu chính của mỗi khoá học đều là đem lại giá trị về mặt kiến thức cho học viên, và điều này sẽ thể hiện rõ nhất qua điểm số. Học viên có sự tiến bộ về kết quả của các bài kiểm tra chính là minh chứng rõ rệt nhất cho việc lớp học đó đang được quản lý tốt, thời gian trên lớp được tối ưu hoá cho việc học, khiến học viên thu lại được nhiều nhất có thể.

Cuối cùng là mức độ học sinh tham gia vào các hoạt động trên lớp như xung phong phát biểu hay tham gia trò chơi. Một lớp học được quản lý tốt sẽ khiến các học viên có hứng thú học hơn, muốn tham gia nhiều hơn vào việc học thay vì chỉ ngồi nghe giảng viên nói. Chẳng hạn như với các hoạt động nhóm, một lớp học được quản lý tốt sẽ khiến các học viên tự chủ động trao đổi và học hỏi lẫn nhau, tránh được thời gian chết do mỗi cá nhân đều có tâm lý e ngại hay ỷ lại vào các thành viên khác. Việc giảng viên đưa ra câu hỏi, học viên tự nỗ lực tìm ra câu trả lời rồi mới được chữa, được giải đáp khúc mắc, sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn so với việc giảng viên đưa luôn đáp án còn học viên không phải suy nghĩ, động não về vấn đề đó.

Việc quản lý lớp học hiệu quả sẽ bị ảnh hưởng bởi sự kỳ vọng đến từ hai phía. Chẳng hạn, sự kỳ vọng của học viên đối với lớp, với giảng viên có thể sẽ là những câu hỏi như “Sau khi kết thúc buổi học, mình đã nắm bắt được những kiến thức trên lớp chưa? Hay “Giảng viên có giải đáp được hết thắc mắc của mình không?”. Còn sự kỳ vọng của giảng viên sẽ nằm ở việc giảng viên đã truyền đạt được hết những kiến thức liên quan đến buổi học đó chưa hay học viên có tham gia vào các hoạt động trên lớp như giảng viên mong đợi không. Để quản lý lớp học một cách tốt nhất, giảng viên cần dung hoà được hai yếu tố này, có như vậy mới đem lại được những kết quả khả quan như đã nói ở trên.

3. Gợi ý hoạt động để quản lý lớp học hiệu quả

Mỗi một lớp học và mỗi một học viên đều sẽ có những phẩm chất khác nhau, dẫn đến việc giảng viên cần linh hoạt trong việc quản lý lớp để có thể đảm bảo hiệu quả tốt nhất. Tuy nhiên, vẫn có một số các hoạt động mà các giảng viên có thể tham khảo để áp dụng vào việc quản lý lớp của mình sao cho phù hợp.

1. Nội quy lớp học 

Việc đặt ra danh sách các quy tắc mà học viên cần tuân thủ ngay từ những buổi học đầu tiên là giúp quan trọng vì điều này sẽ góp phần định hình hành vi của học viên trong và ngoài giờ học. Dưới đây là một số gợi ý về các tiêu chí của một bộ nội quy hiệu quả:

STTTên tiêu chíNội dung
1
Đơn giản & Rõ ràng
Từ ngữ và nội dung của quy định nên đơn giản và ngắn gọn, giúp học viên dễ nhớ và tuân thủ. Giảng viên nên có một bộ quy định chung dành riêng cho tất cả các lớp học, sau đó có thể bổ sung thêm những quy định mới cụ thể hơn phù hợp với tình hình của lớp.
2
Mục đích
Giảng viên cần chỉ rõ mục đích của từng quy định, như vậy học viên sẽ hiểu rõ tại sao mình cần phải tuân thủ chúng và cảm thấy sẵn sàng hợp tác. 
3
Hình phạt
Các quy định nên đi kèm với hình phạt để học viên thấy được nếu mình không tuân thủ đầy đủ thì hậu quả sẽ là gì. Chẳng hạn như nếu không hoàn thành bài tập thì sẽ ở lại sau giờ học để làm nốt.
4


Linh hoạt
Giảng viên không nên quá cứng nhắc trong việc bắt học viên tuân thủ nội quy. Thay vào đó, nên tìm ra nguyên nhân dẫn đến vi phạm để có thể đưa ra cách xử lý phù hợp. Chẳng hạn, một học viên không hoàn thành bài tập do lười biếng và một học viên có lý do chính đáng sẽ không nhận được cùng một hình phạt. Tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng phải cân nhắc làm thế nào để các học viên ‘phục’ thì bạn mới giữ được kỷ luật của lớp. 
5
Đồng thuận
Học viên không nên cảm thấy những quy định trên mang tính áp đặt một cách vô lý, điều này dễ dẫn đến tâm lý chống đối không muốn thực hiện. Giảng viên nên tiếp thu các ý kiến đóng góp của học viên đối với quy định trên lớp một cách khách quan và đưa ra những sự điều chỉnh phù hợp. Cần để học viên thấy rằng mình chủ động và tự nguyện tuân thủ quy định.Cần nhớ rằng, mục đích cuối cùng của những quy định này là để học viên có thể học tốt hơn, chứ không phải để thị uy với học viên!

Ngoài ra, nội quy của các lớp học trực tiếp và trực tuyến cũng sẽ khác nhau. Đối với các lớp học trực tuyến, giảng viên cần đưa ra thêm những quy định đặc trưng dành cho việc học online, chẳng hạn như bật camera xuyên suốt giờ học hay đảm bảo đường truyền mạng ổn định. Lưu ý cần nhắc nhở học viên nghiêm túc đặc biệt trong các buổi học đầu tiên, để định hình thói quen trong cả khoá học.

2. Hệ thống quản lý lớp học

Nếu chỉ đưa ra quy định suông mà không có hệ thống đảm bảo học viên tuân thủ những quy định đó thì giảng viên sẽ rất khó quản lý được lớp học của mình. Dưới đây là một số gợi ý về hệ thống quản lý lớp học mà giảng viên có thể tham khảo để áp dụng.

  1. Theo dõi tỷ lệ đi học và làm bài tập

Giảng viên có thể ghi chú lại từng học viên cũng như cả lớp nói chung đang đi học và làm bài tập đầy đủ đến đâu, theo từng buổi học. Với bảng theo dõi này, giảng viên có thể dễ dàng thấy được học viên nào đi học đầy đủ và làm bài tập chăm chỉ, từ đó đưa ra những biện pháp xử trí kịp thời. Chẳng hạn như với học viên thường xuyên nghỉ học, có thể hỏi han quan tâm nhiều hơn về lí do dẫn đến tình trạng này và đưa ra các giải pháp như gửi tài liệu trên lớp, sắp xếp các buổi bổ trợ riêng hay nhìn nhận lại phong cách giảng dạy của bản thân nếu chưa gây được sự hứng thú cho học viên (khi có nhiều bạn nghỉ học).

Hoặc với tỉ lệ làm bài tập, giảng viên có thể hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc, các khó khăn của học viên dẫn đến việc làm bài chưa đầy đủ, tránh việc chỉ trích phê bình khi chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân.

Minh hoạ bảng theo dõi tỉ lệ đi học và làm bài tập

  1. Theo dõi điểm số

Qua việc theo dõi kết quả học tập của học viên, giảng viên sẽ dễ dàng nhận thấy sự tiến bộ của học viên để từ đó tiếp tục động viên, khuyến khích, tạo động lực học tập, đồng thời cả những kỹ năng mà học viên còn cần củng cố lại để từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Chẳng hạn như với những bạn đang yếu kĩ năng A và làm khá tốt ở kĩ năng B, giảng viên cùng lúc khen ngợi kết quả tốt của kỹ năng B cũng như gửi thêm tài liệu ôn tập kĩ năng A để bạn đó có thể cải thiện điểm số ở phần này. 

Minh hoạ bảng theo dõi điểm số theo từng kĩ năng

Ngoài ra, việc để các bạn học viên thấy được sự thay đổi của bản thân theo thời gian cũng là một cách khiến các bạn tự nhận ra sự tiến bộ của mình và từ đó có thêm động lực để cố gắng học.

Minh hoạ bảng theo dõi điểm số theo từng bài kiểm tra

3. Hệ thống hỗ trợ tương tác giữa học sinh và giáo viên

Tương tác giữa giảng viên và học viên có thể bao gồm trò chuyện hoặc sử dụng các cử chỉ phi ngôn ngữ như gật đầu hay nở nụ cười hoặc trao đổi ngoài giờ học. Giao tiếp và thu hút học viên trong các cuộc trò chuyện sẽ thúc đẩy sự tự tin và hứng thú, từ đó là chất keo bôi trơn để một lớp học diễn ra được hiệu quả.

Dưới đây là một số kênh thông tin có thể hỗ trợ việc tương tác giữa giảng viên và học viên ngoài giờ học.

  1. Mạng xã hội

Đây chắc chắn là kênh mà bất kì giảng viên nào cũng sẽ nghĩ tới đầu tiên vì tính thuận lợi của nó. Ưu điểm của việc sử dụng mạng xã hội là việc thông tin sẽ đến với học viên rất nhanh. Giảng viên có thể sử dụng các nhóm trên Facebook dành cho lớp học của mình để gửi đến thông báo về lịch học, gửi tài liệu hoặc nhắc nhở học viên đồng thời kiểm soát được ai đã tiếp cận được thông báo này qua số lượng người xem. Ngoài ra, việc tạo một trang Facebook dành riêng cho lớp và yêu cầu học viên bật thông báo cho tất cả các bài đăng cũng đem lại hiệu quả tương tự.

Minh hoạ một thông báo nhắc nhở làm bài trên nhóm lớp

Số lượng người đã xem được thể hiện rõ ràng

Hoặc giảng viên có thể sử dụng Messenger trao đổi với học viên nhanh chóng hơn. Có thể dùng 1 nhóm chat chung cho cả lớp cũng như kết hợp trao đổi riêng với từng học viên nếu không nhận được hồi âm hoặc trong những trường hợp đặc biệt khác, sao cho phù hợp với nhu cầu của mỗi học viên.

Minh hoạ sử dụng group chat Messenger

  1. Phiếu khảo sát

Cùng với việc sử dụng mạng xã hội, phiếu khảo sát cũng là một phương thức phổ biến thường được áp dụng để thu thập feedback từ học viên về quá trình học. Giảng viên có thể xây dựng các mẫu khảo sát online qua Google form hoặc tạo những bản khảo sát giấy và phát cho học viên của mình trên lớp. 

  1. Về mặt hình thức

Phiếu khảo sát nên là sự kết hợp của những câu hỏi trắc nghiệm mà trong đó học viên lựa chọn một câu trả lời phù hợp nhất (Chẳng hạn như Mức độ hài lòng với khoá học/tài liệu/giảng viên sẽ được đánh giá từ Rất hài lòng – hài lòng – không hài lòng – rất không hài lòng); cũng như những câu hỏi mà trong đó học viên được tự do đóng góp ý kiến cá nhân (Chẳng hạn như Trong quá trình học, em đã gặp những khó khăn gì? hay Em mong muốn những thay đổi nào ở khoá học/giảng viên/lượng kiến thức?)

Giảng viên nên để học viên lựa chọn liệu có đề tên mình vào trong phiếu khảo sát hay không vì việc thực hiện khảo sát một cách giấu tên sẽ giúp học viên có thể tự do nói lên những cảm nhận chân thực nhất của bản thân, còn các học viên muốn nhận được hỗ trợ trực tiếp và nhanh chóng của giảng viên có thể điền tên mình.

Minh hoạ một câu hỏi trong phiếu khảo sát

  1. Về mặt nội dung

Giảng viên có thể tham khảo các yếu tố sau trong bảng khảo sát của mình để đưa ra một bảng khảo sát đầy đủ các thông tin phục vụ cho việc giảng dạy một cách hiệu quả nhất

Yếu tốNội dung




Giảng viên
Giảng viên đóng vai trò rất lớn trong việc học của học viên. Bảng khảo sát nên đưa ra những câu hỏi nhằm xác định xem liệu người thầy/cô này đã phù hợp nhất với nhu cầu của học viên hay chưa. Sẽ có những học viên thích học thầy cô nghiêm khắc, có bạn lại thích học thầy cô vui tính, dễ gần. Có học viên muốn học sâu về lý thuyết để hiểu rõ kiến thức, có bạn lại muốn được thực hành nhiều hơn. Việc thu thập ý kiến học viên trong những vấn đề liên quan đến giảng viên sẽ là cách tốt nhất để giảng viên kịp thời điều chỉnh lại tốc độ, phong cách giảng dạy sao cho phù hợp với lớp hiện tại.


Tài liệu
Bên cạnh giảng viên thì học liệu cũng là một nguồn kiến thức không thể thiếu. Những tài liệu này đã phù hợp với trình độ hiện tại của học viên hay chưa, có dễ quá hay khó quá không hay tài liệu đã được hướng dẫn chi tiết để học viên biết mình phải làm gì với chúng chưa, đây sẽ là những câu hỏi giảng viên cần cân nhắc khi lập phiếu khảo sát, để đảm bảo rằng học viên hiểu rõ mục đích và cách sử dụng tài liệu cho việc học một cách tốt nhất.


Lộ trình học
Giảng viên cũng cần đảm bảo rằng lộ trình hiện tại đem lại hiệu quả cao nhất cho sự tiến bộ của học viên. Nếu tốc độ quá nhanh, học viên sẽ không theo kịp còn nếu quá chậm, sẽ dẫn đến tâm lý chán nản và chủ quan với việc học quá dễ dàng. Ngoài ra, cũng có trường hợp chỉ có một vài phần học viên cảm thấy quá nhanh/chậm, giảng viên cần biết rõ đó là những phần kiến thức nào, để hiểu sâu hơn về trình độ hiện tại của học viên, từ đó cân nhắc lại lộ trình học cho học viên cũng như cho lớp.
  1. Các phương thức khác

Ngoài các kênh trên, nếu điều kiện cho phép, giảng viên có thể cân nhắc một số các phương thức khác như sau để giúp quản lí lớp học tốt hơn. 

  1. Tổ chức các buổi bổ trợ thêm cho lớp

Giảng viên có thể sử dụng phương thức này khi cảm thấy thời lượng trên lớp không đủ để truyền đạt hết kiến thức, hoặc có một vài phần phức tạp, cần đi sâu phân tích kĩ. Điều này phụ thuộc vào năng lực chung của cả lớp, nếu có phần nào mà giảng viên cảm thấy đa số học viên đều gặp khó khăn, thì nên dành thêm thời gian để đảm bảo hỗ trợ được các bạn. Tất nhiên, để làm được điều này, cả học viên và giảng viên đều phải có chung một khung thời gian rảnh – một điều khá khó thực hiện. Hoặc giảng viên có thể kết hợp vào các buổi học chính, chẳng hạn như yêu cầu học viên học sớm một chút đầu giờ để nói lại phần kiến thức khó của buổi trước, hoặc ở lại sau giờ học để dành thêm thời gian trao đổi, thảo luận. Tuy nhiên giảng viên cũng cần cân nhắc cân bằng thời gian để không kiến cho một buổi học quá dài, học viên bị quá tải, mệt mỏi và không thể tiếp thu được tốt.

  1. Bổ trợ cho các học viên/nhóm học viên đuối trong lớp

Tất nhiên không phải học viên nào cũng sẽ có nhu cầu tham gia các buổi bổ trợ. Trong lớp thường sẽ có những bạn học viên khá hơn và cả những bạn đuối hơn. Để phục vụ tốt nhất cho việc học của học viên, giảng viên có thể tổ chức các buổi bổ trợ dành riêng cho các học viên thuộc dạng ‘đuối’ trong lớp – những bạn mất nhiều thời gian để theo kịp tiến độ giảng dạy trên lớp. Như vậy, tốc độ của các lớp bổ trợ này sẽ chậm hơn so với lớp chính, giúp các bạn học viên không quá căng thẳng mà dễ tiếp thu hơn. Hơn nữa, khi cùng học với những bạn ngang trình độ, có thể các bạn ấy sẽ có thêm sự tự tin để tham gia tích cực vào việc học. Đây là phương thức lý tưởng đối với các lớp học có trình độ không ngang bằng – vừa tránh làm mất thời gian của các bạn học viên trung bình khá, vừa tạo thêm điều kiện cho các bạn tiếp thu chưa tốt.

  1. Hẹn riêng với các học viên ‘đặc biệt’ để trao đổi 

Vậy nếu trong lớp chỉ có vài ba thành phần khá ‘khó hợp tác’ thôi thì sao? Đương nhiên, lúc này cần đến những phương pháp tiếp cận mang tính cá nhân hơn. Với mỗi một trường hợp, giảng viên cần đưa ra một cách xử trí riêng, và để tránh ảnh hưởng đến các bạn khác trong lớp, cũng như tạo cho các bạn học viên ‘khó’ này một môi trường thoải mái để chia sẻ, giảng viên có thể hẹn riêng và trao đổi trực tiếp với các bạn đó. Chẳng hạn như trong lớp có bạn A thường xuyên nghỉ học không phép, không làm bài tập, nếu việc nhắc nhở trên lớp – cả nhẹ nhàng và nghiêm khắc, đều không đem lại hiệu quả, giảng viên nên liên hệ và nói chuyện riêng với bạn A đó để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và từ đó đưa ra biện pháp khắc phục. Có thể do bạn cảm thấy khoá học chưa phù hợp hay hiện không sắp xếp được thời gian để vừa học vừa làm, việc trao đổi trực tiếp sẽ khiến giảng viên hiểu rõ hơn về nguyên nhân sự việc thay vì quy chụp do học viên lười biếng hay ý thức kém, và học viên cũng sẽ cảm thấy được sự tận tâm của giảng viên hơn.

4. Công cụ hỗ trợ quản lý lớp học

  1. Notion

Notion là một kênh giúp giảng viên có thể tổng hợp tất cả các thông tin cần thiết về lịch học, nội quy, tài liệu và gửi đến cho học viên. Ưu điểm của Notion chính là tính thuận tiện, tất cả trong một, khiến học viên không phải mất quá nhiều thời gian tìm kiếm thông tin và giảng viên cũng không phải trả lời quá nhiều câu hỏi liên quan đến các thông tin như lịch học, nội quy hay tài liệu. Tuy nhiên, một nhược điểm của Notion là khi chuẩn bị lần đầu, giảng viên có thể sẽ mất nhiều thời gian trong việc làm quen với giao diện cũng như tạo nên cho mình một bảng thông tin phù hợp nhất.

Ở khía cạnh học viên thì đây hoàn toàn là một kênh thông tin hữu ích và hiệu quả nhất khi tất cả những gì liên quan đến khoá học đều có thể xuất hiện chỉ trong một trang web. Ban đầu, với những bạn chưa quen giao diện, có thể sẽ mất đôi chút thời gian nhìn qua hết lượng thông tin, nhưng sau một thời gian ngắn, có thể chỉ mất vài phút là các bạn đã có thể dễ dàng thao tác trong trang. Điều này đặc biệt hiệu quả trong việc giải quyết được các trường hợp học viên còn e ngại trong việc liên lạc trực tiếp với giảng viên về tìm tài liệu hay nội quy lớp (những tài liệu sẵn có), và cũng tránh được thời gian học viên phải chờ đợi giảng viên trả lời.

Tất cả thông tin học viên cần đều được tổng hợp lại

  1. Google classroom

Đây là một công cụ vô cùng hữu ích trong việc giao và chữa bài tập cho học viên. Giảng viên có thể dễ dàng giao các bài tập khác nhau cho cả lớp hoặc cho từng đối tượng và học viên luôn có thể biết được mình cần phải làm những gì vào ngày hôm đó. Google classroom cho phép giảng viên nắm bắt được tình hình học tập của lớp như ai đã nộp đủ bài tập, điểm trung bình của từng học viên ra sao,… thông qua bảng theo dõi.

Giảng viên có thể theo dõi tình trạng làm bài tập để kịp thời nhắc nhở

Bài tập và hạn nộp được thể hiện rõ ràng

HDSD chi tiết của Google classroom

  1. Class dojo

Ngoài Google classroom, class dojo cũng là một kênh giúp giảng viên giao những bài tập đơn giản cho học viên của mình với các hình thức khác nhau như file word, file âm thanh hay hình ảnh. Điểm nổi bật của trang này là những hình minh hoạ bắt mắt và thu hút. Mỗi một học viên sẽ có một nhân vật tượng trưng, giảng viên có thể cộng điểm hoặc trừ điểm cho nhân vật đó dựa trên những tiêu chí trong bảng nội quy. Cả lớp sẽ luôn có thể theo dõi tình hình thi đua của bản thân và từ đó cố gắng hơn.

HDSD chi tiết của Class Dojo

5. Kỹ năng giao tiếp với học viên để đảm bảo quản lý lớp học hiệu quả

Giao tiếp giữa giảng viên và học viên là một yếu tố then chốt trong việc quản lý lớp học. Giảng viên cần có kỹ năng giao tiếp tốt đề vừa đảm bảo có được sự tôn trọng từ học viên, đảm bảo kỷ luật lớp, vừa không khiến học viên có tâm lý e ngại, dè dặt trong việc đưa ra những câu hỏi. Dưới đây là một số gợi ý về kỹ năng giao tiếp mà giảng viên có thể áp dụng trong việc trao đổi với học viên

  1. Khuyến khích

Giảng viên nên tạo một môi trường học tập mà ở đó học viên cảm thấy được khuyến khích đặt ra câu hỏi và phát biểu quan điểm bản thân. Điều này sẽ khiến học viên cảm thấy thoải mái hơn, tránh được tâm lý ‘giấu dốt’ hay sợ bị phán xét, giúp học viên tham gia học chủ động cũng như biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ giảng viên. Giảng viên có thể khuyến khích học viên bằng nhiều phương thức khác nhau, đơn giản như sau mỗi phần lý thuyết dài dòng có thể kiểm tra lại xem học viên đã thật sự hiểu phần đó chưa, động viên học viên đưa ra câu hỏi về phần mình chưa hiểu. Thường thì học viên sẽ khá e ngại khi đưa ra câu hỏi, chẳng hạn như chưa hiểu rõ yêu cầu của đề bài, hay có khái niệm cơ bản nào đó mà vừa rồi mình không nghe kịp, mỗi khi học viên đưa ra câu hỏi, giảng viên có thể sử dụng những câu như “Phần này chắc nhiều bạn trong lớp cũng đang thắc mắc lắm mà chưa dám hỏi đây” hay “Bạn A hỏi đúng ý cô đang định nói mà quên đấy, cảm ơn A nhé” để giảm nhẹ tâm lý e ngại của học viên cũng như để cả lớp thấy là việc chủ động đặt câu hỏi luôn được đánh giá cao.

  1. Rõ ràng

Khi trao đổi với học viên, nên cố gắng sử dụng ngôn từ dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề. Giảng viên nên tránh việc nói vòng vo hay bóng gió, thay vào đó, thể hiện những yêu cầu của bản thân một cách rõ ràng. Để đảm bảo chắc chắn học viên hiểu được những gì mình nói, sau khi hướng dẫn bài tập, giảng viên có thể hỏi lại 1 bạn học viên xem bạn đó đã hiểu mình phải làm gì chưa, có thể nói lại yêu cầu của đề bài không; hoặc cuối giờ học, có thể nhờ 1 2 bạn trong lớp tóm tắt lại nội dung buổi học, để đảm bảo rằng việc truyền đạt kiến thức của mình đang có trọng tâm, tránh lan man. Nên thể hiện rõ cho học viên mục đích của từng hoạt động trên lớp để học viên hiểu rõ tại sao mình cần làm như vậy, chẳng hạn như “Giờ mình sẽ làm một số bài tập để ôn luyện cấu trúc vừa học nhé!” hay việc nhắc nhở học sinh khi làm bài gian lận, dùng từ điển hay dùng Google dịch cũng cần súc tích “Làm như vậy sẽ không giúp các bạn học được gì trong khi mình mất tiền bạc và thời gian lên lớp học để được sửa sai” .Tương tự, với việc đưa ra nhận xét cho học viên, cần nói rõ điểm mạnh điểm yếu để học viên nắm được chính xác trình độ hiện tại của bản thân cũng như biết được mình đang cần cải thiện những kỹ năng nào. Điều này phục vụ tốt nhất lợi ích của học viên, giúp học viên tiến bộ được nhiều hơn. Nếu chỉ tập trung vào những khuyết điểm, học viên dễ có tâm lý nản, khi học mãi không thấy tiến bộ, hay chùn bước với tâm lý “khó lắm đằng nào mình cũng không làm tốt”. Nếu chỉ chú ý đến những điểm tốt, học viên dễ sinh ra tâm lý chủ quan, không cải thiện được những sai sót bản thân hiện có. Học viên thường có tâm lý mình không được chú ý đến trừ khi có thành tích tốt hoặc năng nổ trong các hoạt động trên lớp, giảng viên nên thường xuyên đưa ra nhận xét mang tính cá nhân cho các học viên để tránh được việc này, khéo léo nhắc nhở học viên sửa sai kịp thời, cũng như khen ngợi khi có thành tích hoặc tiến bộ.

  1. Hành vi phi ngôn ngữ

Ngoài những việc trao đổi qua lời nói, giảng viên cũng nên tạo cho mình thói quen sử dụng những cử chỉ và hành động phi ngôn ngữ để có thể giao tiếp với học viên hiệu quả. Chẳng hạn như khi nhắc nhở về kỷ luật của cả lớp, giảng viên sẽ sử dụng tông giọng trầm hơn và tốc độ nói chậm hơn, so với khi cả lớp thảo luận và giảng viên muốn khuyến khích học viên đưa ra ý kiến cá nhân. Ngoài ra, giao tiếp bằng mắt cũng là một kĩ năng hữu ích trong việc quản lí lớp học. Khi giảng bài, giảng viên sẽ nhìn bao quanh lớp, không tập trung vào cá nhân cụ thể nào. Khi muốn nhắc nhở một (vài) học viên mất trật tự hay làm việc riêng mà không muốn ảnh hưởng đến mạch bài giảng, giảng viên sẽ nhìn đến phía học viên đó để thể hiện mọi hành vi trong lớp đều được quan sát và gián tiếp nhắc nhở về kỉ luật. Các yếu tố khác như cử chỉ tay hay vị trí đứng cũng không kém phần quan trọng. Khi giảng bài, giảng viên nên hạn chế ngồi trên bục giảng toàn bộ thời gian lớp học vì điều này dễ đem lại cảm giác một lớp học thụ động, giảng viên nói – học viên nghe/ghi chép, và giảng viên cũng không quan sát được hết lớp. Thay vì đó, có thể kết hợp giữa việc ngồi giảng lý thuyết, đi lại xung quanh quan sát lớp và sử dụng những cử chỉ bằng tay để minh hoạ cho bài giảng. Đơn giản như khi học viên phát biểu thì giảng viên sẽ vỗ tay hoặc đưa ngón cái biểu thị thay cho lời khen. Giảng viên có thể góp phần lan toả năng lượng tích cực của mình đến với học viên, khiến lớp học sôi nổi và thú vị hơn.

Như vậy, việc quản lý lớp học là một kỹ năng không thể thiếu khi giảng dạy, góp phần giúp học viên và giảng viên có được những giờ học hiệu quả nhất. Để quản lý lớp học tốt, giảng viên cần kết hợp khéo léo giữa việc đưa ra và đảm bảo thực hiện nội quy nghiêm túc ngay từ những buổi đầu tiên, có một hệ thống quản lý lớp học dễ dàng và tiện lợi cũng như duy trì tương tác với học viên cả trong và ngoài giờ học. Khi thực hiện tốt những hoạt động này, học viên sẽ có thái độ tích cực và chủ động trong việc học, thể hiện qua việc đi học và làm bài tập đầy đủ hay tham gia thường xuyên vào các hoạt động trên lớp. Sau cùng, mục đích đạt được ở đây – mục đích chính của khoá học, sẽ là sự tiến bộ của học viên, với bằng chứng rõ ràng là điểm qua các bài kiểm tra và việc học viên nắm chắc kiến thức.

Trên đây là bài viết chia sẻ của Giảng Viên Vũ Thảo Phương về cách quản lý lớp học hiệu quả. Nếu các bạn muốn có thêm đánh giá nào khác hãy để lại lời nhắn ở phần bình luận bên dưới, IZONE sẽ luôn sẵn lòng giải hỗ trợ.